chương trình hỗ trợ ĐAN MẠCH

Chương trình tín dụng hỗn hợp tại việt nam

Cập nhật: 18/06/2012 09:51:32 AM

Chương trình Tín dụng hỗn hợp của Đan Mạch cấp các khoản tín dụng không tính lãi hoặc lãi suất thấp cho các dự án phát triển có mục tiêu giảm nghèo, nâng cao mức sống và góp phần vào tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển

 

Mục đích chung của viện trợ phát triển của Đan Mạch là giảm nghèo, cải thiện mức sống và góp phần vào tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển. Đây cũng là mục tiêu của Chương trình Tín dụng Hỗn hợp của Đan Mạch do Chính phủ Đan Mạch lập ra năm 1993 – đây là chương trình cho vay không có lãi hoặc lãi suất thấp. Các khoản cho vay được dùng để mua trang thiết bị hoặc các dịch vụ liên quan cho các dự án phát triển tại các nước đang phát triển.

 

Mục tiêu trước mắt của chương trình tín dụng hỗn hợp là giúp huy động vốn cho các dự án mà về mặt tài chính là “không có khả năng thực hiện” và do vậy các dự án này sẽ không thể triển khai nếu không có hỗ trợ về tài chính. Qua việc cung cấp tín dụng hỗn hợp, Đan Mạch có thể hỗ trợ các dự án phát triển mà trong điều kiện thị trường bình thường hoặc nếu chỉ dựa vào viện trợ không hoàn lại thì sẽ không thể triển khai được.

 

Chương trình Tín dụng Hỗn hợp của Đan Mạch hỗ trợ các khoản sau:


• Tiền lãi –toàn bộ hoặc một phần


• Tiền lãi tín dụng xuất khẩu và các chi phí tài chính khác


• Viện trợ không hoàn lại để giảm bớt khoản vay (chỉ áp dụng cho các dự án ở các nước kém phát triển nhất)

 

Hầu hết tất cả các dự án đều có thể tham gia chương trình Tín dụng hỗn hợp. Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, các dự án đủ tiêu chuẩn nhận tín dụng hỗn hợp thường trong các ngành sau: cung cấp nước sạch và vệ sinh, năng lượng tái sinh, cơ sở hạ tầng, môi trường, y tế và giáo dục. Thời gian đáo hạn thường là 10 năm.

 

Hai loại Tín dụng Hỗn hợp

 

Có hai loại tín dụng hỗn hợp – tín dụng có điều kiện ràng buộc và không có điều kiện ràng buộc.

 

Hầu hết Tín dụng Hỗn hợp của Đan Mạch là tín dụng ràng buộc: nghĩa là nhà cung cấp (nhà thầu) phải là công ty Đan Mạch. Tuy nhiên, không nhất thiết hàng hoá và dịch vụ phải được sản xuất ở Đan Mạch. Loại tín dụng có ràng buộc được áp dụng cho các nước trong chương trình phát triển (Programme Countries) của Đan Mạch. Tín dụng có điều kiện ràng buộc luôn là xuất phát điểm cho mọi dự án của chương trình tín dụng hỗn hợp.

 

Loại thứ hai là tín dụng không ràng buộc: nghĩa là không nhất thiết nhà cung cấp (nhà thầu) phải là công ty Đan Mạch mà có thể thuộc bất cứ nước thành viên OECD nào. Tín dụng hỗn hợp không ràng buộc chỉ áp dụng cho các nước trong chương trình phát triển (Programme Countries) của Đan Mạch và Nam Phi.

 

Hai loại tín dụng hỗn hợp này cùng dựa trên các nguyên tắc giống nhau với các điều khoản và điều kiện giống nhau.

 

Lưu ý khi xin vay

 

Khi cân nhắc – hoặc nộp đơn xin vay – chương trình Tín dụng Hỗn hợp, quan trọng là cần phải đáp ứng một số các yêu cầu để được Danida phê duyệt dự án.

 

Bước đầu tiên là sơ tuyển dự án. Đây là đánh giá ban đầu về tính hợp lệ và khả năng triển khai tiếp theo của dự án. Để đánh giá sơ tuyển một dự án, Danida cần có mô tả đầy đủ về dự án bao gồm thông tin về bối cảnh dự án, mục tiêu giảm nghèo, tổng đầu tư của dự án bao gồm ngân sách chi tiết, loại thiết bị cần cung cấp, giá trị hợp đồng cần vay, thu xếp tài chính giữa người vay và ngân hàng bảo lãnh (được xác nhận bằng thư bảo lãnh), các vấn đề về tổ chức, lịch triển khai dự án và các mốc chính của dự án.

 

Tự trang trải chi phí phát sinh trong nước

 

Chương trình Tín dụng Hỗn hợp hỗ trợ phần lớn các chi phí tài chính. Người nhận được khoản vay sẽ phải hoàn trả số tiền vay theo hình thức trả dần từng đợt 6 tháng một lần với giá trị bằng nhau và bắt đầu trả vào tháng thứ 6 sau khi dự án đi vào hoạt động. Các khoản cho vay đều bằng đô-la Mỹ hoặc Euro. Người vay sẽ chỉ phải trả phí cam kết tối đa là 0,25%/ năm cho khoản vay chưa được giải ngân và phí quản lý tối đa bằng 0,375% trên số tiền vay. Tuy nhiên, người vay sẽ còn phải trả các chi phí tài chính phát sinh trong nước – bao gồm phí bảo lãnh ngân hàng. Để đảm bảo người vay nhận được các điều khoản tín dụng tốt nhất có thể, Danida sẽ chấp nhận các thỏa thuận cho vay lại. Ngoài ra, người vay cũng phải đóng góp vốn tự có vào tổng đầu tư của dự án, và phải có đủ vốn để dự án hoạt động tối thiểu từ 1-3 năm.

 

Đấu thầu cạnh tranh

 

Danida mong muốn đạt được kết quả tốt nhất có thể khi cấp viện trợ cho các nước đang phát triển. Do đó, việc tổ chức đấu thầu phải được Danida chấp thuận. Phải có văn bản chứng tỏ đấu thầu cạnh tranh đã diễn ra, không chỉ về giá cả mà còn về công nghệ và chất lượng.

 

Chương trình tín dụng hỗn hợp đòi hỏi hợp đồng thương mại phải dựa trên đấu thầu cạnh tranh quốc tế, ví dụ như FIDIC. Nếu có đủ số lượng nhà thầu Đan Mạch, việc đấu thầu sẽ chỉ dành cho các nhà cung cấp Đan Mạch. Bắt buộc phải có một ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tài chính đủ tiêu chuẩn đặt tại Đan Mạch đồng ý đứng ra làm người cho vay.

 

Thông thường Danida sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thực hiện đấu thầu.

 

Giá trị hợp đồng tối thiểu để xin vay chương trình tín dụng hỗn hợp là 1 triệu EUR.

 

Lựa chọn dự án

 

Đối với dự án thuộc nhà nước quản lý

 

Chính phủ Việt Nam và Đan Mạnh đã thống nhất để̉ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) lựa chọn trước các dự án được tài trợ. Vì vậy, các tổ chức và công ty nhà nước trình hồ sơ xin vay tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, Danida cũng có thể đề xuất các dự án để tài trợ.

 

Đối với các dự án thuộc khu vực kinh tế tư nhân

 

Các công ty tư nhân trình dự án lên Danida qua Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà nội. Dựa trên đánh giá sơ bộ của Đại sứ quán và theo đề nghị hỗ trợ nghiên cứu khả thi của chủ dự án, Danida sẽ xem xét hỗ trợ nghiên cứu khả thi. Dựa trên báo cáo khả thi, Danida sẽ thẩm định dự án và xem xét phê duyệt tài trợ.Các dự án/công ty tư nhân cần phải được một ngân hàng thương mại trong nước đã được Quỹ tín dụng Xuất khẩu của Đan Mạch (EKF) công nhận đứng ra bảo lãnh.

 

Nguồn Đại sứ quán Đan Mạch

  • Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập: 850616
    Lượt truy cập hôm nay: 1
    Số người đang online: 54
    Số doanh nghiệp online: 11